Theo Quartz, nếu căng thẳng giữa hai ông lớn Trung Đông Saudi Arabia và Iran tiếp diễn, cộng với những màn bạo loạn tại các địa điểm nhạy cảm như đại sứ quán, thì nhiều khả năng biến động đầu tiên của giá dầu trong năm 2016 sẽ theo chiều hướng đi lên.
Sau khi chính phủ Riyadh xử tử Nimr al-Nimr, linh mục theo dòng Shia có tầm ảnh hưởng lớn đã từng lên án chính sách kì thị bộ phận người Shia thiểu số ở Saudi Arabia, một làn sóng phản đối dữ dội đã bùng phát tại đây, tại Iran, cũng như trên toàn Trung Đông.
Linh mục Nimr al-Nimr bị Saudi Arabia xử tử. Ảnh: tvm.com
Một nhóm quá khích đã tới phá phách tại Đại sứ Saudi Arabia ở Tehran, và thậm chí lãnh tụ tối cao Iran, Ali Khamenei, còn tuyên bố rằng Riyadh sẽ phải đón nhận sự trừng phạt của Chúa.
Theo Quartz, bản thân những màn đấu khẩu hay biểu tình tại Trung Đông có lẽ sẽ không ảnh hưởng mấy tới giá dầu.
Năm vừa rồi, giá dầu thô Brent giảm 35%, khép lại 2015 ở mức 37,28 USD/thùng. Đại đa số các nhà phân tích dự đoán giá dầu sẽ giữ ở mức này trong năm nay, nếu dao động cũng chỉ khoảng từ 30-45 USD/thùng, trước khi tăng lên vào cuối 2016. Theo Tin thế giới
Nói cách khác, khó có thể có một cuộc biểu tình nào tại Trung Đông đủ "độ chấn động" (impact) để thay đổi viễn cảnh giá dầu nói trên.
Tuy nhiên, nếu bạo động nổ ra ở tỉnh Miền Đông của Saudi Arabia, khu vực của những mỏ dầu giàu trữ lượng nhất thế giới và cũng là nơi cư ngụ của cộng đồng thiểu số người Shia, đây sẽ là diễn biến địa chính trị có đủ "độ chấn động" để đẩy giá dầu lên cao trong Quý 1/2016.
Lái buôn sẽ nhận thấy một cơ hội ngàn vàng để kiếm lời, và đánh cược vào mức giá dầu tăng tỉ lệ thuận với tình trạng bạo động tại "mỏ dầu Trung Đông", trước khi mọi thứ trở lại bình thường và giá dầu lại trở về quỹ đạo như dự đoán ban đầu.
Đối với một nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như Nga, thì bất cứ biến động tăng nào của giá dầu sẽ là một cú hích cần thiết cho Moscow, dẫu biết rằng bản thân việc giá dầu tăng không thể vực dậy cả một nền kinh tế.
Nhưng có vẫn hơn không, và trong trường hợp Iran và Saudi Arabia tiếp tục hục hặc cũng như bạo động tại tỉnh Miền Đông kéo dài, đây thực sự sẽ là một món quà đầu năm đối với ngành công nghiệp dầu khí Nga nói riêng và giới chức Moscow nói chung.
Hiện nay, chưa có một thông tin chính thức nào về bạo động bùng phát ở tỉnh Miền Đông. Tuy vậy, theo trang tin Middle East Eye, đã xuất hiện biểu tình trên các đường phố tại thành phố Qatif thuộc tỉnh Miền Đông hôm 2/1, sau khi có thông tin linh mục Nimr al-Nimr bị xử tử.
Những hình ảnh bạo động tại thành phố Qatif do Middle East Eye đăng tải.
Tuy thông tin này chưa được kiểm chứng, và chính phủ Saudi Arabia chắc chắn sẽ tìm cách lập tức dập tắt mọi diễn biến xấu, nhưng vấn đề là họ làm được như vậy hay không. Theo Phap luat xa hoi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét